Tổng quan thị trường bảo hiểm 2 tháng đầu năm 2022
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 33.210 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 11.322 tỷ đồng, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm 2021 và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.888 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
1. Bảo hiểm phi nhân thọ
Kết quả thị trường
Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 02 tháng đầu năm 2022 ước đạt 11.322 tỷ đồng, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm 2021. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là PVI với doanh thu ước đạt 2.214 tỷ đồng (tăng 38,63% so với cùng kỳ năm trước, chiếm thị phần 19,55%). Tiếp đến là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 1.755 tỷ đồng (tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước, chiếm thị phần 15,50%), PTI với doanh thu ước đạt 1.267 tỷ đồng (tăng 25,22% so với cùng kỳ năm trước, chiếm thị phần 11,19%), Bảo Minh với doanh thu ước đạt 866 tỷ đồng (tăng 35,61% so với cùng kỳ năm trước, chiếm thị phần 7,65%), MIC với doanh thu ước đạt 814 tỷ đồng (tăng 41,12% so với cùng kỳ năm trước, chiếm thị phần 7,19%).
Ngoài các DNBH dẫn đầu thị trường nêu trên, OPES có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 45% so với cùng kỳ năm 2021 (doanh thu phí ước đạt 185 tỷ đồng).
Một số DNBH khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2021 là AIG (91 tỷ đồng; giảm 63,83%); Chubb (47 tỷ đồng; giảm 17,33%); Phú Hưng (9 tỷ; giảm 12,21%); SGI (4 tỷ; giảm 11,08%)…
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (ước đạt 3.565 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,49%) , tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (3.114 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,50%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (1.680 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,84%), bảo hiểm cháy nổ (1.376 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,15%).
Bồi thường
Số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 02 tháng đầu năm 2022 ước là 2.511 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 22,18%; thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2021 (25,64%).
15/32 DNBH và chi nhánh DNBH nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 17 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 2 DNBH có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Samsung Vina (97,80%), SGI (55,23%).
2. Bảo hiểm nhân thọ
Kết quả khai thác mới 02 tháng đầu năm 2022
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 6.059 tỷ đồng giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới như sau: Manulife (19,6%), Prudential (12,8%), Bảo Việt nhân thọ (12,6%), Dai-ichi (12,1%), MB Ageas (9,8%), AIA (7,8%), Sun Life (6,8%), FWD (5,2%), Generali (4,9%), Chubb (2,3%), Hanwha (2,1%), Cathay (2%), 07 doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần 2%.
Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 83,9% doanh thu phí khai thác mới. Tiếp theo là bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 1,8%, bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 1,3%, các nghiệp vụ chính còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính)) chiếm tỷ trọng 1,2%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 11,8%.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư giảm 5,8%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 71,5%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ giảm 40,4%.
Số lượng hợp đồng khai thác mới 02 tháng đầu năm 2022 đạt 460.514 hợp đồng, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư với 236.914 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm (chiếm tỷ trọng 51,4%, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2021), tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với 190.300 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 41,3%, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2021), nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 5.250 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 1,1%, giảm 79,5% so với cùng kỳ năm 2021). Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ chính còn lại chiếm tỷ trọng 6,1% (tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2021).
Quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ 02 tháng đầu năm 2022
Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) đạt 13.509.957 hợp đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 21.888 tỷ đồng tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính doanh thu phí theo từng nghiệp vụ thì nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 70,6%, tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp 17,5%, các nghiệp vụ chính còn lại chiếm tỷ trọng 1,6%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ đóng góp 10,3% tổng doanh thu phí toàn thị trường.
Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (21,4%), Manulife (18,8%), Prudential (14,3%), AIA (11,8%), Dai-ichi (11,3%), MB Ageas (4%), Sun Life (3,3%), Hanwha (2,8%), Chubb (2,7%), Generali (2,7%), FWD (2,3%), Cathay (1,7%), Aviva (1,3%), các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
3. Môi giới bảo hiểm
Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua MGBH 02 tháng đầu năm 2022 đạt 2.865 tỷ đồng (tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước), trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 1.881 tỷ đồng (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước), phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 984 tỷ đồng (tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước);
Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm 02 tháng đầu năm 2022 ước đạt 232 tỷ đồng (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc ước đạt 182 tỷ đồng (tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước), hoa hồng môi giới tái bảo hiểm đạt 50 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước).
Nguồn: Cổng TTDT Bộ Tài Chính