Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản là gì?
Tùy vào loại hình và điều khoản của bảo hiểm, sẽ có những rủi ro được bảo hiểm, những rủi ro bị loại trừ và những rủi ro không được bảo hiểm. Cần lưu ý rằng bảo hiểm tài sản không bảo hiểm cho trường hợp giá trị tài sản bị giảm hoặc mất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ khi được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng.
Một số rủi ro làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản gồm:
- Thiên tai: lũ lụt, động đất, sét đánh
- Sự cố: hỏa hoạn, tràn nước, khói
- Lỗi con người: gây rối, đình công, rơi vỡ
- Tai nạn: va chạm với phương tiện vận chuyển, súc vật, máy bay rơi…
Trong thực tế, đặc điểm của nhiều loại tài sản khiến việc liệt kê đầy đủ những tình huống có thể gây hư hỏng và cần được bảo hiểm trở nên không hợp lý, đôi khi bất khả thi.
Xuất phát từ nhu cầu đó mà bảo hiểm mọi rủi ro tài sản ra đời. Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản là loại bảo hiểm chỉ loại trừ những rủi ro được nêu cụ thể trong hợp đồng. Điều đó có nghĩa là những rủi ro nào không được loại trừ đều sẽ được bảo hiểm.
Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản
1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là một loại hợp đồng bồi thường
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về 3 trường hợp định giá hợp đồng bảo hiểm như sau:
* Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị
Là khi số tiền bảo hiểm cao hơn giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm giao kết. Khách hang cần cân nhắc và tính toán trước khi đưa ra quyết định tham gia bảo hiểm trên giá trị của tài sản vì trong mọi trường hợp khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra công ty bảo hiểm chỉ bồi thường dựa trên giá trị đúng của tài sản lúc giao kết.
* Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị
Là khi mệnh giá bảo hiểm thấp hơn giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết. Như vậy, cách tính số tiền bồi thường khi xảy ra rủi ro sẽ dựa trên (giá trị thiệt hại thực tế) x (số tiền bảo hiểm) / (giá trị thực tế của tài sản lúc giao kết).
* Hợp đồng bảo hiểm trùng
Là khi xảy ra rủi ro, cùng một tài sản được bồi thường bởi từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên. Khi đó, cách tính số tiền bồi thường mà mỗi hợp đồng chi trả sẽ là: (tổng số tiền bồi thường từ tất cả các hợp đồng) x (số tiền bảo hiểm của hợp đồng đang yêu cầu bồi thường) / (tổng mệnh giá tất cả các hợp đồng). Điều này giúp đảm bảo số tiền bồi thường người được bảo hiểm nhận không vượt quá thiệt hại thực tế mà người đó đã chịu.
2. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản
Quyền lợi có thể được bảo hiểm (insurable interest) là một thuật ngữ bảo hiểm chỉ ra rằng người hưởng lợi từ bảo hiểm phải có lợi ích liên quan, phụ thuộc hoặc gắn liền với sự an toàn của đối tượng được bảo hiểm, được pháp luật công nhận. Như vậy, người thụ hưởng có lý do chính đáng để được bồi thường khi có thiệt hại xảy ra cho đối tượng được bảo hiểm.
Đối với đối tượng bảo hiểm là tài sản, thì quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản chính là quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản.
Mối liên hệ đầu tiên được pháp luật công nhận là chủ sở hữu. Tiếp đến là người có quyền lợi và trách nhiệm trước tài sản đó như người mượn, thuê, được giao quản lý tài sản… Đây là những người có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản. Họ được tham gia giao kết và hưởng lợi từ bảo hiểm của tài sản đang nói đến, dựa trên thỏa thuận chung và tuân theo quy định của pháp luật.
3. Thời hạn bảo hiểm và phí bảo hiểm
Bảo hiểm tài sản có thời hạn ngắn, thông thường từ 6 tháng đến một năm.
Phí bảo hiểm tùy thuộc vào số tiền bảo hiểm, xác suất xảy ra rủi ro và các điều khoản bổ sung hoặc phạm vi mở rộng người mua được hưởng. Phí bảo hiểm có thể được đóng một lần hoặc định kỳ theo thỏa thuận của hợp đồng bảo hiểm.
4. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản được thực hiện như thế nào?
Giá trị thiệt hại là căn cứ bồi thường của bảo hiểm tài sản
- Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định số tiền bồi thường không được vượt quá giá trị thiệt hại của tài sản tại thời điểm xảy ra rủi ro.
- Giá trị thiệt hại của tài sản phải được xác định một cách trung thực, dựa trên giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm xảy ra rủi ro và mức độ thiệt hại thực tế. Chi phí xác định do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
- Ngoài số tiền bồi thường, các chi phí cần thiết, hợp lý người mua bảo hiểm đã bỏ ra để đề phòng, hạn chế tổn thất… phát sinh theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.
Phương thức bồi thường bảo hiểm tài sản
Phương thức bồi thường sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm tự thỏa thuận, bao gồm:
- Sửa chữa tài sản bị thiệt hại
- Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác
- Trả tiền bồi thường
Nếu hai bên không thống nhất được thì sẽ chọn cách trả tiền bồi thường.
Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn
- Nguyên tắc này áp dụng cho trường hợp bên thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho tài sản. Nếu đã được bảo hiểm bồi thường, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bên thứ ba bồi hoàn khoản tiền mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
- Nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu bên thứ ba bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu bồi hoàn nếu bên thứ ba là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.
Giám định tổn thất, thiệt hại của tài sản được bảo hiểm
- Việc giám định tổn thất của tài sản do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện và chịu phí.
- Nếu không đồng thuận với kết quả này, các bên có thể trưng cầu giám định viên độc lập. Nếu không đồng thuận được về giám định viên độc lập, một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi người được bảo hiểm cư trú chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn của người được bảo hiểm
- Để giảm thiểu rủi ro thiệt hại cho tài sản được bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn và vệ sinh lao động, và các quy định khác có liên quan.
- Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiểm tra, khuyến nghị, yêu cầu và ra thời hạn cho người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tài sản. Nếu quá thời hạn mà người được bảo hiểm vẫn không thực hiện, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm tài sản.
- Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tài sản nếu bên mua bảo hiểm hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý.
5. Quy trình bồi thường trong bảo hiểm tài sản
Hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản
Thông thường, người được bảo hiểm cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Giấy yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản đã ký kết
- Giấy chứng nhận hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện an toàn (về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh lao động…)
- Biên bản giám định thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc giám định viên độc lập
- Biên bản giám định nguyên nhân tổn thất (của đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác)
- Bản kê khai tổn thất và giấy tờ chứng minh tổn thất.
Thời hạn yêu cầu bồi thường và thực hiện việc bồi thường bảo hiểm tài sản
Điều 28 và 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:
- Thời hạn yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản là 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng, theo đúng quy định của pháp luật.
- Công ty bảo hiểm phải bồi thường trong thời hạn đã thỏa thuận của hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ yêu cầu bồi thường.
- Thời hạn khởi kiện là 3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (nếu có).