CÔNG TY CỔ PHẦN PVI CẬP NHẬT KẾT QUẢ KINH DOANH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
6 tháng đầu năm 2022 là khoảng thời gian mà tình hình kinh tế xã hội của thế giới cũng như Việt Nam trải qua nhiều biến động. Trên thế giới, trong bối cảnh đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt, cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine phát sinh và kéo dài chưa có hồi kết đã trở thành chất xúc tác kéo theo bất ổn chính trị, lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Trong nước, Chính phủ có những động thái mạnh mẽ để điều tiết, lành mạnh hóa thị trường tài chính, thị trường bất động sản. Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống PVI đã có những nỗ lực mạnh mẽ, quyết liệt để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch do ĐHĐCĐ giao và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể như sau:
Kết quả kinh doanh tổng thể
- Tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.432tỷ đồng, hoàn thành 119% kế hoạch 6T2022, tương đương 64% kế hoạch năm 2022 và tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu doanh thu đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm (TBH) với tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là 20% và 51%. Điều này không chỉ phản ánh xu hướng tăng trưởng chung của toàn thị trường sau khi dịch Covid cơ bản được kiểm soát, mà còn thể hiện rõ nét chiến lược kinh doanh của PVI trong giai đoạn hiện nay – Đó là thúc đẩy tăng trưởng gắn liền với hiệu quả nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam cả về quy mô và hiệu quả nghiệp vụ.
- Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 525 tỷ đồng, hoàn thành 128% kế hoạch 6T2022, tương đương 58% kế hoạch năm 2022 và giảm nhẹ so với cùng kỳ (-8%). Nguyên nhân chủ yếu là do cùng kỳ năm 2021 là khoảng thời gian nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid, nhiều địa bàn trọng điểm thực hiện phong tỏa, giãn cách kéo dài, kéo theo chi phí và bồi thường phát sinh thấp. Ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế đã bước sang trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch, lĩnh vực bảo hiểm cũng đang dần trở lại chu kỳ kinh doanh thông thường. Các yếu tố này đã được tính đến khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022. Do đó, trên cơ sở triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tăng trưởng đồng thời lựa chọn và kiểm soát tốt rủi ro, toàn hệ thống PVI đã giảm thiểu được các tác động bất lợi từ điều kiện thị trường và vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch do ĐHĐCĐ giao.
ĐVT: Tỷ đồng | 6T2022 | 6T2021 | % TH 6T2022 / KH 6T2022 | % TH 6T2022 / KH 2022 | % Tăng trưởng |
TỔNG DOANH THU | 7.432 | 5.940 | 119% | 64% | 25% |
– Doanh thu hoạt động bảo hiểm gốc | 5.467 | 4.566 | 114% | 63% | 20% |
– Doanh thu hoạt động tái bảo hiểm | 1.349 | 894 | 134% | 70% | 51% |
– Doanh thu khác hoạt động KDBH | 24 | 17 | 261% | 133% | 40% |
– Doanh thu hoạt động đầu tư và khác | 591 | 463 | 132% | 61% | 28% |
TỔNG CHI PHÍ | 6.907 | 5.370 | 118% | 64% | 29% |
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ | 525 | 570 | 128% | 58% | (8%) |
Nguồn: BCTC hợp nhất PVI (CBTT trước soát xét)
Kết quả kinh doanh bộ phận
- Đối với hoạt động bảo hiểm gốc: Doanh thu bảo hiểm gốc đạt 5.467 tỷ đồng, hoàn thành 114% kế hoạch 6T2022, tương đương 63% kế hoạch năm 2022 và tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần tăng trưởng bình quân thị trường. Với tốc độ tăng trưởng như trên, Bảo hiểm PVI – công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm gốc của PVI – đã dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam về thị phần (ước đạt trên 16%), đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về hiệu quả nghiệp vụ với tỷ lệ kết hợp đạt 92,43%.
- Đối với hoạt động tái bảo hiểm: Doanh thu TBH đạt 1.349 tỷ đồng, hoàn thành 134% kế hoạch 6T2022, tương đương 70% kế hoạch năm 2022 và tăng trưởng 51% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh TBH của PVIRe – công ty con hoạt động trong lĩnh vực TBH của PVI – đạt kết quả khả quan với tỷ lệ kết hợp đạt 90,4%. PVIRe tiếp tục là đơn vị tiên phong dẫn đầu thị trường TBH Việt Nam về xu thế chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt hoạt động với sáng kiến Cổng giao dịch TBH điện tử cho phép thanh toán TBH trực tuyến với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong nước.
- Đối với hoạt động đầu tư: Doanh thu đầu tư tài chính hợp nhất đạt 401 tỷ đồng, hoàn thành 113% kế hoạch 6T2022, tương đương 51% kế hoạch năm 2022 và tăng trưởng 12% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ sự dịch chuyển cơ cấu danh mục từ tiền gửi sang trái phiếu từ năm 2021 đến nay nhằm giảm thiểu tác động bất lợi từ mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch Covid. Bên cạnh hoạt động đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu, PVI cũng linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng với lãi suất đi vay cạnh tranh hơn so với mặt bằng chung thị trường và chủ động cơ cấu lại các khoản mục tiền tệ gốc USD để hoán đổi sang đồng tiền có mức lãi suất cao hơn, hiệu quả từ việc tái cơ cấu này này mang lại lợi nhuận thuần 18 tỷ đồng/năm và tiết kiệm được chi phí mua các công cụ phòng ngừa rủi ro khan hiếm và đắt đỏ tại thị trường trong nước.
- Đối với hoạt động khác: Hoạt động khác chủ yếu là hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó PVI có dòng tiền và thu nhập ổn định từ hoạt động cho thuê văn phòng với tỷ lệ lấp đầy đạt 100% và tỷ lệ lãi gộp đạt 56% (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước do sáng kiến cải tiến mô hình quản lý bất động sản cho thuê của PVI từ cuối năm 2021).
Quy mô, hiệu quả và dòng tiền
- Tổng tài sản hợp nhất của PVI tại 30/06/2022 đạt 26.516 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là:
- Đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn (12.232 tỷ đồng, tỷ trọng 46%): Chủ yếu bao gồm đầu tư tiền gửi và trái phiếu (10.456 tỷ đồng, chiếm 85% số dư đầu tài chính tại 30/06/2022) – Điều này phản ánh mức độ an toàn và thanh khoản cao của danh mục; và
- Phải thu ngắn hạn của khách hàng (11.524 tỷ đồng, tỷ trọng 43%): Chủ yếu là Phải thu liên quan đến tài sản TBH (9.053 tỷ đồng, chiếm 79% số dư phải thu ngắn hạn của khách hàng tại 30/06/2022) – bản chất là số dư dự phòng phí và dự phòng bồi thường nhượng TBH theo quy định về chế độ hạch toán kế toán đối với các DNBH. Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, khoản mục này tăng trưởng tương ứng với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tốc độ tăng về số dư tài sản TBH tương đương với tốc độ tăng về phí nhượng TBH so với cùng kỳ). Tài trợ cho tài sản TBH là khoản mục dự phòng phí bảo hiểm chưa được hưởng và dự phòng bồi thường, chiếm tỷ trọng lớn nhất (70%) trong tổng nợ phải trả của PVI.
- Chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) quy năm đạt xấp xỉ 11%, cao hơn tăng trưởng GDP cùng kỳ (6,42%) và cao hơn so với ROE các giai đoạn cùng kỳ trước dịch.
- Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 313 tỷ đồng (cùng kỳ dương 495 tỷ đồng) chủ yếu do: (i)Tăng chi mua các công cụ nợ do sự dịch chuyển cơ cấu danh mục từ tiền gửi sang trái phiếu ; và (ii) Tăng các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng mà chủ yếu là hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tương ứng với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là những sự chuyển dịch mang tính chủ động nhằm ứng phó kịp thời với tình hình biến động trên thị trường, góp phần duy trì hiệu quả hoạt động nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu theo luật định về thanh khoản. Biên khả năng thanh toán của PVI luôn đạt trên 150%, cao hơn so với quy định của pháp luật. PVI cũng là doanh nghiệp bảo hiểm có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường, với sự hỗ trợ từ các cổ đông lớn là những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới và luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về vốn để mở rộng kinh doanh và đảm bảo thanh khoản cho PVI. Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu của pháp luật nội địa, PVI cũng đã triển khai hệ thống quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó các chỉ số khả năng thanh khoản và an toàn vốn theo Solvency II là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ môt đơn vị thành viên nào của các tập đoàn tài chính và bảo hiểm hàng đầu thế giới.
Xếp hạng tín nhiệm
- Trong tháng 02/2022, tổ chức xếp hạng quốc tế A.M. Best đã tái xác nhận mức xếp hạng tín nhiệm B++ (Tốt) cho cả hai công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm của PVI (Bảo hiểm PVI và PVIRe). Trong đó, Bảo hiểm PVI hiện là doanh nghiệp bảo hiểm gốc duy nhất tại thị trường Việt Nam được A.M. Best xếp loại triển vọng nâng hạng Tích cực.
Theo nhận định của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đà tăng trưởng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ được duy trì trong các tháng còn lại của năm 2022 khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục trở lại cùng với nhiều “trợ lực” về chính sách. Tuy nhiên, các DNBH sẽ phải đối mặt với thách thức về việc duy trì hiệu quả nghiệp vụ do xu hướng chi phí và bồi thường tăng trở lại sau dịch. Trong bối cảnh đó, cùng với những giải pháp quyết liệt về kinh doanh và quản lý được triển khai xuyên suốt và đồng bộ từ đầu năm, những thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 sẽ là nền tảng cũng là bước tạo đà quan trọng cho toàn hệ thống PVI tiếp tục đặt quyết tâm cao để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch do ĐHĐCĐ giao, khẳng định thương hiệu, uy tín và vị thế của một định chế tài chính – bảo hiểm hàng đầu tại thị trường trong nước và ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế.
Nguồn:baohiempvi