Captive Insurance là gì?
Những đặc trưng cơ bản
Captive là một tổ chức bảo hiểm hay tái bảo hiểm do một công ty hay một nhóm công ty không hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm lập ra để bảo hiểm các rủi ro của công ty mẹ là chủ yếu. Captive đóng những vai trò sau đây: Một mặt, nó là một tổ chức tự bảo hiểm được chính thức thành lập để bảo hiểm những rủi ro tần suất cao mà bản thân công ty có thể chịu được một cách có hiệu quả; mặt khác, nó được sử dụng như một công cụ cung cấp tài chính để xử lý những rủi ro tần suất thấp nhưng cấp độ nghiêm trọng đặc biệt cao – những rủi ro không được bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm truyền thống.
Phương thức hoạt động của một captive tái bảo hiểm như sau: trước hết công ty bảo hiểm gốc nước sở tại đứng ra nhận bảo hiểm rủi ro của công ty mẹ thông qua các công ty con ở nước ngoài (công ty đứng ra nhận gọi là công ty đứng tên), sau đó chuyển toàn bộ rủi ro cho công ty captive dưới hình thức một hợp đồng tái bảo hiểm. Về phần mình, captive có thể tái nhượng tái bảo hiểm một phần rủi ro bảo hiểm cho một hay nhiều công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp khác.
Sở dĩ phải làm như vậy là vì công ty bảo hiểm gốc thường phải được quốc gia nơi nó hoạt động cấp giấy phép và phải tuân theo sự kiểm soát của cơ quan quản lý sở tại. Còn các công ty tái bảo hiểm (captive tái bảo hiểm) thì thường tham gia vào những hoạt động qua biên giới và tuân theo sự quản lý của nước mẹ.
Trong số 4000 captive trên toàn thế giới thì có khoảng 3000 là captive “một mẹ”, tức là do một công ty mẹ lập ra và còn lại là các công ty nhiều mẹ, tức là một số công ty phối hợp với nhau lập ra (gọi là collective captive), giống như một liên danh. Gần đây nhất, cái gọi là captive-thuê (rent-a-captive) đã trở nên rất phổ biến. Thay vì thành lập một captive của chính mình, công ty có thể thuê một captive.
Để đáp lại việc được trả chi phí quản lý, bên nhận tái bảo hiểm mở cho công ty thuê captive một tài khoản để thanh toán phí bảo hiểm, tiền bồi thường và thu nhập đầu tư. Ưu điểm của cách làm này so với giải pháp captive một mẹ là ở chỗ công ty không phải cấp vốn. Ưu điểm này làm cho captive đi thuê trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty loại vừa. Dạng mới nhất của captive là ̉cỗ xe chuyên dụng̃ (Special purpose vehicle) mà chức năng của nó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các rủi ro bảo hiểm cho thị trường vốn.
Các ưu điểm của captive đối với một công ty
Ban đầu các captive được sinh ra là vì các doanh nghiệp hoài nghi tính hiệu quả của việc bảo hiểm rủi ro có tần suất cao. Bảo hiểm các rủi ro này chẳng khác nào chuyển trả cho nhau những số tiền thấy trước được một các khá chính xác (phí bảo hiểm và tiền bồi thường), không phải là bảo hiểm. Việc bảo hiểm như vậy không đem lại kết quả gì nhiều, mà đòi hỏi chi phí tốn kém để thực hiện. Mặt khác, giữ lại các rủi ro tốt thì sẽ được lợi trực tiếp vì tỉ lệ bồi thường của những rủi ro ấy thấp hơn tỉ lệ bồi thường trung bình (phí bảo hiểm tính trên tỉ lệ tổn thất trung bình). Giữ lại rủi ro trung bình sẽ khuyến khích giảm tỉ lệ tổn thất thông qua các biện pháp quản lý rủi ro thích hợp.
Từ thời điểm bắt đầu bùng nổ các captive cho đến cuối những năm 60 và đầu những năm 70, thuế và các lý do tài chính đã đóng vai trò quan trọng. Nếu tự bảo hiểm (không thông qua captive) thì chi phí tự bảo hiểm không được miễn thuế. Captive có ưu điểm là các khoản chi trả phí bảo hiểm được miễn thuế, và các quỹ dự trữ bảo hiểm cũng được ưu đãi về thuế đối với các captive đóng ở nước ngoài.
Ngày nay, các lý do về thuế đã tụt xuống hàng thứ hai: ở Mỹ, các khoản chi trả phí bảo hiểm chỉ được miễn thuế nếu như captive nhận bảo hiểm một tỉ lệ khá lớn các rủi ro ở bên ngoài (khoảng 30%). ở đa số các nước Châu Âu, doanh nghiệp chỉ được miễn thuế số tiền chi trả phí bảo hiểm khi chứng minh được rằng việc bảo hiểm thực sự đã được thực hiện (chứ không phải chuyển cho captive) và phí bảo hiểm đã chi trả là thoả đáng xét trên quan điểm bảo hiểm. ở một vài nước Châu Âu, lợi nhuận của captive cũng phải chịu thuế ở nước mẹ của công ty mẹ.
Những ưu thế và tài chính của captive còn bao gồm cả việc được công khai sử dụng lãi đầu tư để trả tiền bồi thường, cũng như có khả năng tác động đến chính sách đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường vốn. Số lượng công ty captive đã tăng lên nhanh chóng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trách nhiệm ở Mỹ. Điều đó xảy ra chủ yếu là do các yếu tố như định phí bảo hiểm cao và khả năng tài chính hạn hẹp trên thị trường bảo hiểm truyền thống. Thực tế đó cho thấy, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa chu kỳ bảo hiểm ở Mỹ và số lượng các captive mới được thành lập ở Bermuda.
Captive lúc đầu được xem xét như một phương pháp có thể lựa chọn để thay thế bảo hiểm truyền thống đối với các rủi ro cá biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và trách nhiệm. Nhưng rồi, danh mục những rủi ro chuyển cho captive ngày càng tăng lên, thậm chí những rủi ro như uy tín thấp, các rủi ro Y2K và nhiều rủi ro khác cũng được chuyển cho captive. Captive ngày càng được sử dụng như một biện pháp trung tâm để bảo hiểm nhiều rủi ro khác nhau trên thế giới và là bàn đạp cho những giải pháp tái bảo hiểm có thể xem xét lựa chọn (alternative reinsurance solutions).
Captive cũng có thể được sử dụng ngày càng rộng raĩ trong tương lai như một công cụ quản lý rủi ro tổng thể (holistic risk management instrument). Hiện nay có khoảng 4000 captive trên toàn thế giới, tạo ra một khối lượng phí bảo hiểm khoảng 21 tỉ USD, bằng khoảng 6% thị trường bảo hiểm thương mại toàn cầu. Tốc độ thành lập các captive mới trên toàn thế giới đã hơi chững lại, tuy vậy vẫn còn rất cao, khoảng 5% mỗi năm.
Sở dĩ như vậy là vì đã thấy có nhiều dấu hiệu bão hoà ở Mỹ và Anh, cũng như vì giá cả thấp trên thị trường bảo hiểm truyền thống, làm giảm sức hấp dẫn của các captive. Hơn một nửa số captive trên thế giới là thuộc về các công ty công nghiệp và dịch vụ ở Mỹ. Các nước như Mỹ, Thụy Điển và Nauy có tỉ lệ captive cao nhất thế giới xét trên quy mô của thị trường bảo hiểm ở các nước này hoặc theo tỉ lệ các nước này trong tổng số 2500 công ty lớn nhất trên thế giới.
Bermuda cho đến nay vẫn là thiên đường của các captive. Có tới 1/3 số captive đặt trụ sở ở đây. Đối với các công ty mẹ của Hoa Kỳ thì Bermuda và quần đảo Cayman vẫn là nơi ưa thích nhất. Đối với các nước Châu Âu thì Guensey và Luxembour là những khu vực được ưu tiên lựa chọn, mặc dù Ireland cũng đã trải qua sự phát triển năng động trong những năm gần đây. Mỗi năm, trong danh sách nói trên lại xuất hiện các khu vực mới hấp dẫn các captive bằng môi trường pháp lý và chế độ thuế ưu đãi.
Lloyd’s cũng là một trong những nơi đặt trụ sở lý tưởng của các captive. Sức hấp dẫn chủ yếu của Lloyd’s là ở chỗ nó có giấy phép kinh doanh bảo hiểm gốc ở trên 60 quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, captive chưa trở thành một biện pháp quan trọng trong số rất nhiều giải pháp có thể lựa chọn để xử lý rủi ro. Nhiều ưu điểm mô tả ở trên của captive ngày nay có thể đạt được thông qua các giải pháp mới khác, chẳng hạn như sản phẩm rủi ro hạn chế (finite risk products) hoặc các giải pháp nhiều tuyến/nhiều năm (multi-line/multi-year).
Tuy nhiên, đối với nhiều công ty, captive vẫn là bước đi đầu tiên tiến vào thị trường các giải pháp chuyển giao rủi ro có thể xem xét lựa chọn, hoặc ít ra thì cũng chứng minh được nó còn là một cỗ xe thích hợp trên con đường tiến đến chương trình quản lý rủi ro tổng thể.