Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Trong năm 2022, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trước tác động của dịch bệnh COVID-19. Mặc dù vậy, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Năm 2022, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm trước; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước ước khoảng 64.018 tỷ đồng, tăng 23,29% so với cùng kỳ năm trước.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc thích ứng tình hình mới, rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến, tăng cường giao dịch online với khách hàng, triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội…
Các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện đào tạo đại lý, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng…
Kết quả phát triển thị trường bảo hiểm năm 2022 là nhờ Chính phủ đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính đã luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như: Ban hành chính sách về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm; Quy định cụ thể về tạm ứng bồi thường nhằm hỗ trợ khắc phục nhanh chóng hậu quả tai nạn cho các nạn nhân thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; nâng mức trách nhiệm bảo hiểm; nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo…; Giảm mức trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm; Cho phép các doanh nghiệp tổ chức thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo hình thức online…
Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với 7 Chương, 157 Điều. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sẽ tạo ra cú huých và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững. Cụ thể:
Một là, Luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Hai là, Luật đã khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Ba là, Luật đã cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp không phải phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước kia mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm.
Để triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường. Đến nay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng 03 nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm trình Chính phủ và đang dự thảo 03 thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm theo Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp 3.
Về phía người tham gia bảo hiểm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua và nhất là trong giai đoạn vừa trải qua đại dịch COVID-19. Người dân vì thế đã chủ động hơn, sớm hơn trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.
Thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm
Nhằm tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như sau:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm
Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm bao gồm các vấn đề như: Hướng dẫn chi tiết về vốn trên cơ sở rủi ro, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, các biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm; Hướng dẫn việc thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu chung, đồng bộ các thông tin về thị trường bảo hiểm nhằm phục vụ mục tiêu quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế xã hội như bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm thiên tai, liên kết bảo hiểm y tế thương mại và bảo hiểm y tế xã hội… theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong việc cấp đơn, giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm
Tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật; Xây dựng đầy đủ hệ thống quản trị rủi ro tại doanh nghiệp bảo hiểm, kịp thời phát hiện được các rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm đo lường rủi ro, đánh giá rủi ro, kiểm soát và loại bỏ rủi ro, giám sát và đánh giá lại rủi ro của từng hoạt động và các rủi ro liên quan đến các hoạt động này.
Doanh nghiệp bảo hiểm tự đánh giá, xếp loại, chủ động có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất, can thiệp và điều chỉnh kịp thời trong quá trình hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ mất khả năng thanh toán, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; Tăng cường công khai thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, tình hình hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nâng cao kỷ luật và minh bạch của thị trường…
Phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm
Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trung tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, cần khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già; các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm. Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm; bảo hiểm xanh; sản phẩm bảo hiểm về an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng; hợp tác, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở phí bảo hiểm thuần, hạn chế cạnh tranh hạ phí bảo hiểm ảnh hưởng đến an toàn tài chính và giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.
Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm
Đa dạng hóa kênh phân phối theo hướng phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng nhất; Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; Xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối; Chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; Nâng cao chất lượng đào tạo và thi đại lý bảo hiểm.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tại lĩnh vực mới được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, như quản trị rủi ro, vốn trên cơ sở rủi ro, quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, công nghệ thông tin… thông qua việc đào tạo, tuyển dụng, cơ chế chi trả… Tăng cường, đa dạng hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phổ biến kiến thức đối với thị trường bảo hiểm; Ứng dụng công nghệ thông tin và xã hội hóa công tác đào tạo, tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm; tăng cường hợp tác đào tạo với các tổ chức đào tạo quốc tế về bảo hiểm và các lĩnh vực chuyên môn khác.
Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân. Nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm và thị trường bảo hiểm; Phổ biến kịp thời các thay đổi về quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm; chính sách bảo hiểm của Nhà nước đối với người dân và các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức có liên quan; Đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phố biến kiến thức về bảo hiểm như qua các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện ngành Bảo hiểm, hội chợ, các cuộc thi.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng.
Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phòng chống gian lận bảo hiểm, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại; cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển thị trường bảo hiểm, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa thị trường bảo hiểm. Ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nền tảng số để giám sát, đo lường trực tuyến kết quả thực hiện các tiêu chí quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm
Chuyển đổi sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm; Xây dựng và ban hành sổ tay quản lý, giám sát bảo hiểm trên cơ sở rủi ro trong đó xây dựng hồ sơ doanh nghiệp và xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào rủi ro và các tiêu chí áp dụng các biện pháp can thiệp (nếu có); xây dựng và ban hành sổ tay kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm.
Đồng thời, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp; Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực khác có liên quan trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phương thức kinh doanh mới và quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan quản lý nước ngoài trong quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt trong việc quản lý, giám sát dịch vụ cung cấp bảo hiểm qua biên giới, hoạt động kinh doanh đa quốc gia của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Đẩy mạnh minh bạch hóa hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan quản lý với thị trường bảo hiểm, trong đó thúc đẩy việc công khai các hoạt động quản lý giám sát hàng năm của cơ quan quản lý tương tự như các cơ quan quản lý bảo hiểm khác trên thế giới.
Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong tuyên truyền về bảo hiểm, tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Khuyến khích các tổ chức xã hội – nghề nghiệp tích cực là đầu mối của toàn thị trường trong việc tổng hợp ý kiến, phản ánh và đề xuất của các thành viên hội nghề nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả.
Phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong ngành Bảo hiểm trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực pháp lý, thể chế, chính sách và đào tạo nguồn nhân lực, giám sát sự tuân thủ quy định pháp luật của các thành viên; phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm
Xây dựng và thực hiện lộ trình hội nhập trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phù hợp với lộ trình hội nhập bảo hiểm của ASEAN và các cam kết quốc tế khác; Chủ động, tích cực tham gia Diễn đàn các cơ quan quản lý bảo hiểm Đông Nam Á và Hiệp hội nhà quản lý bảo hiểm quốc tế; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác song phương giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm thông qua chương trình hợp tác, biên bản ghi nhớ, đào tạo cán bộ, hội thảo nghiệp vụ.
Triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm, các chương trình hợp tác đang thực hiện với các tổ chức và đối tác quốc tế, đặc biệt là các dịch vụ bảo hiểm trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài để mở rộng cơ hội kinh doanh, trong đó tập trung vào các địa bàn có tiềm năng và thuận lợi trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả.
Tác giả: Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)
Trích từ Tạp chí Tài chính số tháng 1/2023