Để người mua bảo hiểm có thể bảo vệ quyền lợi của mình
(KTSG) – Những ngày gần đây, việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, đã trở thành vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hơn bao giờ hết. Nhiều thông tin không tích cực được nêu ra khiến người đã mua bảo hiểm hoang mang, lo sợ, còn người chưa mua bảo hiểm thì cảnh giác, dè chừng. Làm thế nào để người dân – bên có nhu cầu mua bảo hiểm – có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
Các yếu tố ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm trong giao kết hợp đồng bảo hiểm
Vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), các bên chưa bị ràng buộc bởi những điều khoản mà chỉ đang trong những bước đầu của sự thỏa thuận, xét vị thế của các bên, bên mua bảo hiểm – các tổ chức, cá nhân có nhu cầu (BMBH) có phần ngang bằng với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), từ đó có thể chủ động bảo vệ mình và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến BMBH trong giai đoạn này:
Thứ nhất, do bản chất HĐBH.
DNBH phải có đầy đủ năng lực tài chính và năng lực chuyên môn khi thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong khi đó, BMBH có thể là những tổ chức, cá nhân – những chủ thể có hiểu biết thông thường, không chuyên sâu về bảo hiểm nên vị thế của DNBH và BMBH là không cân bằng. Ngoài ra, bản chất của bảo hiểm là sự gánh chịu tổn thất của DNBH đối với người được bảo hiểm thông qua hoạt động chuyển giao rủi ro của người mua bảo hiểm sang DNBH(1).
Từ những lý do trên, để đảm bảo mục đích sinh lợi, DNBH đã thiết kế nhiều sản phẩm bảo hiểm nhằm vừa đảm bảo có lợi nhuận, vừa đáp ứng nhu cầu của BMBH. Ngoài ra, BMBH là những tổ chức, cá nhân không am hiểu đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm do DNBH thiết kế, cũng chưa đủ trình độ chuyên môn để tự soạn thảo các nội dung hợp đồng, vì vậy, DNBH sẽ soạn sẵn hợp đồng cùng các quy tắc, điều khoản bảo hiểm đính kèm hợp đồng để ký kết.
Theo đó, BMBH xem xét các hợp đồng này trong một khoảng thời gian, nếu đồng ý tham gia sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận toàn bộ nội dung mà DNBH đã soạn. Điều này cũng gây ra nhiều hạn chế cho BMBH khi những điều khoản do DNBH soạn sẵn thường dài, khó hiểu, có phần ưu thế hơn cho DNBH.
Hợp đồng bảo hiểm không chỉ đơn thuần là một văn bản có tên gọi “hợp đồng” mà còn có thể có quy tắc, điều khoản bảo hiểm. Đồng thời, tùy từng loại bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm định nghĩa thêm, như bảo hiểm sức khỏe con người thì thường bao gồm thêm “bảng tóm tắt quyền lợi bảo hiểm”, “danh sách người được bảo hiểm”, “danh sách bệnh viện/trung tâm y tế bảo lãnh viện phí”. Tuy nhiên, bên mua bảo hiểm thường nhìn nhận và hiểu hợp đồng bảo hiểm chỉ bao gồm văn bản có tên gọi “hợp đồng”…
Thứ hai, do tính chất phức tạp của các điều khoản trong HĐBH.
So với các lĩnh vực mua bán hàng hóa và dịch vụ thông thường, bảo hiểm là hoạt động kinh doanh đặc thù khi gắn liền với các yếu tố liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tài sản… của con người. HĐBH không chỉ đơn thuần là một văn bản có tên gọi “hợp đồng” mà còn có thể có quy tắc, điều khoản bảo hiểm.
Đồng thời, tùy từng loại bảo hiểm mà DNBH định nghĩa thêm, như bảo hiểm tài sản thì HĐBH có nội dung về “danh mục tài sản được bảo hiểm”, bảo hiểm sức khỏe con người thì HĐBH thường bao gồm thêm “bảng tóm tắt quyền lợi bảo hiểm”, “danh sách người được bảo hiểm”, “danh sách bệnh viện/trung tâm y tế bảo lãnh viện phí”.
Tuy nhiên, dưới góc độ của BMBH, họ thường nhìn nhận và hiểu HĐBH chỉ bao gồm văn bản có tên gọi “hợp đồng” mà không biết rằng vẫn có các văn bản khác cũng là một bộ phận cấu thành hợp đồng. Giả sử điều khoản loại trừ bảo hiểm chỉ liệt kê trong hợp đồng, việc diễn giải rõ nội dung này lại được ghi nhận trong quy tắc, trường hợp BMBH không đọc, hiểu các nội dung ở quy tắc thì rất có thể họ sẽ rơi vào các trường hợp loại trừ bảo hiểm mà không hay biết.
Hoặc với bảo hiểm sức khỏe, người được bảo hiểm đến khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh không nằm trong “danh sách bệnh viện/trung tâm y tế bảo lãnh viện phí” theo điều khoản bảo hiểm thì họ không được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Xuất phát từ sự phức tạp ngay tại các văn bản áp dụng này, BMBH có thể hiểu không đúng về HĐBH dẫn đến những bất lợi đáng kể khi thực hiện hợp đồng.
Mặc dù cho rằng các quy tắc, điều khoản bảo hiểm là tài liệu không thể tách rời HĐBH nhưng nhiều DNBH, đại lý bảo hiểm không chủ động cung cấp mà phải chờ yêu cầu từ khách hàng. Việc này không hợp lý khi không phải BMBH nào cũng nhận biết và yêu cầu DNBH cung cấp, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của BMBH.
Trong các loại hình bảo hiểm được pháp luật công nhận, bảo hiểm nhân thọ mang tính phức tạp hơn bởi các sản phẩm bảo hiểm đa dạng, thường kết hợp giữa mục đích bảo vệ, tiết kiệm và đầu tư.
Trong một HĐBH thường được ký kết với nhiều sản phẩm được cung ứng cho cùng một khách hàng, bao gồm sản phẩm chính (bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp…) kết hợp với một hoặc nhiều sản phẩm bảo hiểm bổ trợ khác(2). Bên cạnh các điều khoản đặc thù của HĐBH, loại hình bảo hiểm tích hợp quy định những điều khoản phức tạp hơn, dễ gây hiểu lầm gây ra vi phạm HĐBH.
Thứ ba, do phương thức ký kết HĐBH.
Hiện nay, BMBH chủ yếu mua sản phẩm bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm mà ít thông qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc sử dụng tư vấn bảo hiểm trong các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Tuy nhiên, không phải tất cả đại lý bảo hiểm hay nhân viên kinh doanh bảo hiểm được đào tạo theo quy định và có kiến thức đầy đủ về các sản phẩm bảo hiểm, dẫn tới việc tư vấn cho khách hàng không thể đảm bảo chất lượng.
Với mục tiêu đặt lợi nhuận lên hàng đầu, một số chủ thể tìm cách bán nhiều sản phẩm bảo hiểm nhất có thể mà không đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tính trung thực với khách hàng. Các chủ thể trung gian này đưa ra những thông tin tích cực về sản phẩm, “hứa hẹn” về lợi ích sản phẩm mang lại khác với thực tế, thậm chí lợi dụng lòng tin của người thân, bạn bè… để bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, BMBH thường là những người chưa am hiểu nhiều về bảo hiểm, tin tưởng vào lời giới thiệu của các nhân viên. Từ đó, khách hàng dễ dàng ký kết hợp đồng mà không biết những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình thực hiện. Khi phát sinh các vấn đề hoặc các sự kiện bảo hiểm, HĐBH là căn cứ để DNBH thực hiện nghĩa vụ của mình mà không phải là lời giới thiệu của các nhân viên. BMBH chỉ có thể tuân theo những điều khoản đã ký kết với DNBH mặc dù các nội dung này không có lợi cho mình.
Hiện nay, mô hình bancassurance, là sự kết hợp của hai thuật ngữ “banking” (ngân hàng) và “insurance” (bảo hiểm) đang là mô hình phân phối bảo hiểm phổ biến trên thị trường. Có thể hiểu khái quát “bancassurance là việc ngân hàng tham gia phân phối sản phẩm bảo hiểm của DNBH cho khách hàng của ngân hàng, qua đó đã hình thành một kênh phân phối sản phẩm mới, thể hiện chiến lược marketing của ngân hàng và bảo hiểm thông qua sự tích hợp các sản phẩm vào nhau nhằm khai thác tối đa thị trường các dịch vụ tài chính”(3).
Theo đó, ngân hàng đóng vai trò như đại lý bảo hiểm, cung cấp sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng. Các nhân viên của ngân hàng có thể sẽ làm việc với khách hàng của chính ngân hàng đó. Vấn đề đặt ra là việc giao kết thông qua hình thức này liệu có đảm bảo việc cung cấp, giải thích thông tin với BMBH được đầy đủ và chính xác không.
Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng ngân hàng “áp doanh số” bán bảo hiểm cho nhân viên, nhân viên “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn, dẫn đến sai phạm trong quá trình cung cấp thông tin hoặc nhân viên ngân hàng không có đầy đủ chuyên môn và không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm nên tư vấn chưa chính xác. Đây cũng chính là một vấn đề đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây khiến rất nhiều BMBH bị ảnh hưởng nặng nề.
Quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng bảo hiểm
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, vấn đề cung cấp thông tin trong giao kết HĐBH được quy định chi tiết và rõ ràng.
Trong đó, DNBH và BMBH đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên còn lại, cụ thể như sau:
Đối với DNBH:
- Cung cấp cho BMBH bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; và:
- Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho BMBH về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của BMBH khi giao kết HĐBH.
Đối với BMBH:
- Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến HĐBH theo yêu cầu của DNBH; và:
- Đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của BMBH khi giao kết HĐBH và nội dung khác của HĐBH.
Về trách nhiệm và hậu quả pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin:
Theo các thông tin gần đây, có thể thấy rằng quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin đang bị vi phạm nghiêm trọng khi một số nhân viên ngân hàng đã cung cấp thông tin không đúng cho khách hàng của mình – những người chỉ mong muốn gửi tiền tiết kiệm nhưng được hướng dẫn vào những sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư. Vậy trách nhiệm và hậu quả pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là gì?
Đối với DNBH, nếu có thể chứng minh DNBH cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH thì BMBH có quyền:
- Hủy bỏ HĐBH;
- Được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng; và:
- Được DNBH bồi thường thiệt hại phát sinh (nếu có).
Đối với BMBH, trường hợp BMBH cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì DNBH có quyền:
- Hủy bỏ HĐBH;
- Không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho BMBH sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong HĐBH.
- Được BMBH bồi thường thiệt hại phát sinh (nếu có).
Tuy pháp luật đã có hành lang pháp lý điều chỉnh về quan hệ kinh doanh bảo hiểm nhưng trên thực tế vẫn phát sinh nhiều trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến BMBH.
Trong trường hợp cần mua bảo hiểm để đề phòng các rủi ro, BMBH cần lưu ý các thông tin sau khi chuẩn bị giao kết HĐBH để bảo vệ quyền và lợi ích của mình:
- Tìm hiểu các thông tin liên quan đến bảo hiểm đang dự định mua và chỉ dựa vào các thông tin thể hiện trong hồ sơ, không hoàn toàn nghe tư vấn. Ngoài ra, cần cân nhắc về tình hình tài chính của bản thân để có thể duy trì được HĐBH theo nhu cầu.
- Yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin và giải thích các vấn đề liên quan đến HĐBH, bao gồm tất cả điều khoản bổ sung, quy tắc bảo hiểm, điều khoản loại trừ, thủ tục bồi thường/trả tiền bảo hiểm.
- Kiểm tra kỹ thông tin được yêu cầu cung cấp, đảm bảo kê khai trung thực, chính xác để tránh ảnh hưởng đến yêu cầu bồi thường/trả tiền bảo hiểm sau này.
- Đối với các HĐBH có thời hạn trên một năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được HĐBH, BMBH có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Trong trường hợp BMBH cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý, BMBH nên liên hệ với các công ty tư vấn hoặc công ty luật để được tư vấn một cách kịp thời, toàn diện và hạn chế rủi ro có thể phát sinh.
(1) Nguyễn Thị Thủy (2017), Pháp luật hợp đồng bảo hiểm con người, NXB. Hồng Đức, tr. 14.
(2) Hoàng Minh Thái (2018), “Bảo vệ bên mua bảo hiểm bằng công cụ pháp luật trong giao kết hợp đồng bảo hiểm”, Tạp chí Luật học, số đặc biệt, tr. 59
(3) Nguyễn Văn Thành, Hoàng Thị Bích Ngọc (2018), “Các mô hình phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng và xu hướng phát triển tại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số 8, tr. 48.