Doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ theo quy định trước ngày 01/01/2028
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó quy định về vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, Điều 35 của Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định, đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 750 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí, vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng. Cụ thể, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 450 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 500 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm: Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 500 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu 900 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu 1.400 tỷ đồng.
Theo quy định mới, đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày 01/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu quy định nêu trên thì trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.
Báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, năm 2022, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng vốn điều lệ, với tổng số vốn tăng thêm là 8.935 tỷ đồng. Trong đó, AIA tăng 5.000 tỷ đồng, Dai-ichi tăng 2.100 tỷ đồng, FWD tăng 1.585 tỷ đồng và Phú Hưng tăng 250 tỷ đồng. Với lần tăng vốn thứ 9 kể từ khi thành lập, vốn điều lệ của Dai-ichi Life Việt Nam hiện đạt 9.800 tỷ đồng. Trong khi đó, FWD đã nâng quy mô vốn điều lệ lên hơn 18.500 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, cao hơn so với mức quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm mới. Các doanh nghiệp đang có mức vốn điều lệ cao nhất khối nhân thọ hiện nay có thể kể đến Manulife, FWD, Sun Life, Dai-ichi Life, Generali…
Đối với khối phi nhân thọ, đến hết năm 2022, toàn thị trường có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm đang hoạt động. Nếu theo quy định về mức vốn điều lệ mới thì có khoảng 10 doanh nghiệp bảo hiểm từ nay đến trước ngày 01/01/2028 sẽ phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định từ 400 tỷ đồng trở lên tùy theo loại hình kinh doanh. Được biết, các doanh nghiệp phi nhân thọ đang có vốn điều lệ nằm trong nhóm lớn nhất khối phi nhân thọ hiện nay (từ 1.000 tỷ trở lên) có thể kể đến: Bảo Việt, PVI, bảo hiểm HD, Liberty, BSH.
Theo quy định cũ Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP :
1. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
- a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;
- b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;
- c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
2. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:
- a) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;
- b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;
- c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
3. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.