Bảo hiểm phi nhân thọ: Lợi nhuận đã khả quan hơn
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng
Năm 2023 được đánh giá là năm khó khăn chưa từng có đối với ngành bảo hiểm. Ngay từ đầu năm, thị trường đã chứng kiến nhiều biến động bất ngờ, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt trong quý II và đầu quý III/2023, tình hình khai thác doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều bất lợi. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dù tốc độ tăng trưởng doanh thu trong nửa đầu năm chưa đồng đều và mức tăng còn khiêm tốn, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc duy trì doanh thu ổn định để có lợi nhuận mới là mục tiêu chính của các doanh nghiệp phi nhân thọ trong giai đoạn này.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) đạt tổng doanh thu 3.154 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 8,13% – cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tăng trưởng chung của toàn thị trường.
Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn mức trung bình thị trường, Bảo hiểm Petrolimex – PJICO (mã PGI) đạt 2.004 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong 2 quý đầu năm nay, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, tăng 5% và hoàn thành 73,4% kế hoạch năm.
Báo cáo tình hình quản trị công ty của Bảo hiểm Quân đội – MIC (mã MIG) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt trên 1.870 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm 2023, cơ cấu doanh thu của MIC dịch chuyển theo hướng tập trung khai thác các nghiệp vụ có hiệu quả như bảo hiểm hàng hải (tăng trưởng 22%), bảo hiểm tài sản kỹ thuật (tăng trưởng 12%), bảo hiểm cơ giới (tăng trưởng 12%)… Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 161 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 33,9% và doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 113,2%.
Tại Bảo hiểm BIDV – BIC (mã BIC), tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC trong 2 quý đầu năm nay đạt 2.363 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.263 tỷ đồng, tăng 26,6%, qua đó giúp BIC vươn lên vị trí thứ 6 về thị phần doanh thu phí sau nửa đầu năm. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 262 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 253,5 tỷ đồng, tăng 70,4%.
Ông Trần Xuân Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị BIC kỳ vọng, toàn hệ thống BIC sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ đạt 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 480 tỷ đồng. Ông Hoàng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chuyển đổi số và hệ thống core bảo hiểm; tổ chức nghiên cứu, truyền thông Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 tới toàn hệ thống; chuẩn bị nguồn lực để thành lập các công ty thành viên mới trong năm 2023…
Nằm trong Top 10 doanh nghiệp có doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội – BSH (mã BHI) ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.549 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật và hàng hóa tăng trưởng 18,6%; bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng 3%; bảo hiểm con người tăng trưởng 7%…
Thách thức tỷ lệ bồi thường tăng
Dù tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2023 có dấu hiệu khả quan hơn, nhưng trước bối cảnh vĩ mô còn ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường, thách thức là không nhỏ với các doanh nghiệp phi nhân thọ trong nửa cuối năm.
Là doanh nghiệp trong Top 10 thị phần doanh thu phí bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng doanh thu phí giảm, theo báo cáo tài chính riêng của Bảo hiểm Bưu điện – PTI (mã PTI), doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 2.656 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng lợi nhuận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 85 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ ròng hơn 179 tỷ đồng).
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra mới đây, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI cho biết, trong điều kiện hiện tại, PTI sẽ ưu tiên việc kiến tạo một nền tảng kinh doanh ổn định, bền vững, có điều kiện cạnh tranh trong tương lai, thay vì tăng trưởng về doanh số như trước đây.
Cùng với việc cân bằng bài toán tăng trưởng và lợi nhuận, kiểm soát chặt chẽ hơn tỷ lệ bồi thường cũng là mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp phi nhân thọ trong nửa cuối năm 2023.
Theo số liệu của IAV, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường những tháng đầu năm 2023 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, trong đó nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường gốc cao nhất. Cụ thể, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 9.084 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường đạt 31,6% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), cao hơn con số 27,8% của cùng kỳ năm trước.
Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là bảo hiểm xe cơ giới (51,9%), bảo hiểm sức khỏe (34,1%), bảo hiểm hàng hóa (35,1%)… Trong các nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao, bồi thường xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe là đáng lo ngại nhất vì đây là 2 sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Bà Hương từng chia sẻ, sản phẩm Vững Tâm An từng khiến PTI chịu tổn thất rất lớn, đến nay vẫn đang phải xử lý những hệ lụy, làm giảm uy tín của Công ty trên thị trường. Chính vì thế, trong năm qua, PTI đã phải siết chặt các vấn đề về chuẩn mực, thiết kế lại quy trình kiểm soát rủi ro và mục tiêu trong năm 2023, Công ty sẽ tiếp tục kiện toàn điều kiện về quản trị, con người, giữ vững nền tảng kinh doanh đã gây dựng trong nhiều năm qua.