Sáng ngày 6/12, trước thềm Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th, Cuộc họp lần thứ 23 của Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm ASEAN (AITRI) đã được tổ chức. Tại cuộc họp, Ban Thư ký AITRI đã cập nhật hoạt động của AITRI trong năm 2023.

Việt Nam là 1 trong 10 nước thành viên đã ký Biên bản ghi nhớ ngày 18/12/2002 thành lập AITRI và tích cực tham gia Hội đồng AITRI từ năm 2002 đến nay. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục có tham gia tích cực các hoạt động của AITRI như cử cán bộ tham gia đào tạo, tham gia các cuộc họp…

Theo đó, AITRI đã tổ chức 3 chương trình đào tạo trực tuyến cho cơ quan quản lý, 2 webinar vào tháng 3 và tháng 12/2023. Đồng thời, triển khai chương trình Giải thưởng dành cho các nhà lãnh đạo trẻ của ASEAN (YAMA). Đại diện Hiệp hội bảo hiểm các nước và Ban Điều hành AITRI tổ chức bình chọn giải Nhất, Nhì, Ba vào chiều ngày 6/12 và sẽ tổ chức trao giải vào Gala Dinner vào tối 7/12.

Cùng với đó, Cuộc họp cũng đã báo cáo tình hình tài chính năm 2023 và đề xuất kế hoạch, ngân sách hoạt động cho năm 2024 trình Hội đồng quản lý AITRI trong Hội nghị AIRM 26th; đồng thời, tiếp tục tổ chức các cuộc đào tạo cho các cơ quan quản lý về phòng chống rửa tiền và phòng chống trục lợi bảo hiểm…

Ngoài ra, Ban Thư ký AITRI cũng đã cập nhật thay đổi thành viên Hội đồng quản lý AITRI và báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo năm 2023 – 2024 của các nước thành viên.

Cũng trong ngày 6/12, Ủy ban Giáo dục Bảo hiểm ASEAN (AIEC) đã tổ chức họp lần thứ 21. Tại đây, Ban Thư ký AIEC đã điểm lại các nội dung của cuộc họp lần thứ 20 tại Thái Lan và thông qua biên bản cuộc họp trực tuyến ngày 30/8/2023.

Đồng thời, Ban Thư ký đã cập nhật tiến độ các công việc của AIEC trong năm 2023. Chẳng hạn như, Chương trình đào tạo Diploma về bảo hiểm do các Viện bảo hiểm 5 nước ASEAN tổ chức; Chương trình đào tạo về tái bảo hiểm ASEAN; Chương trình đào tạo bảo hiểm có thu phí dành cho lãnh đạo bảo hiểm trẻ ASEAN lần thứ 14.

Ngoài ra, cuộc họp cũng dành thời gian để Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản (GIAJ) giới thiệu về khóa học dành cho đại lý bảo hiểm nhằm tư vấn đúng, phù hợp cho khách hàng. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng đã tham gia ý kiến dành cho các cơ quan quản lý để Ban Thư ký đề xuất.

Chiều ngày 6/12, Ủy ban Điều phối liên ngành về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ACSCC) cũng đã tổ chức họp. ACSCC có sáng kiến chương trình tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai là ADRFI. ADRFI có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ tháng 7/2016 – 7/2017 và giai đoạn 2 từ tháng 4/2018 – 12/2023. Chương trình ADRFI giai đoạn 2 đã hoàn thành các báo cáo tư vấn đánh giá rủi ro của một số nước trong khu vực và báo cáo chung của toàn bộ khu vực ASEAN.

Về hoạt động xây dựng năng lực năm 2023, bao gồm các hoạt động đào tạo sử dụng nền tảng ADRFI 2 của Viện nghiên cứu ICRM thuộc Trường Đại học Nanyang, với Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) và Tổ chức Đối tác Bảo hiểm toàn cầu châu Á (GAIP) về “Tài trợ và bảo hiểm rủi ro thiên tai (DRFI) và Thực hiện Chính sách bảo trợ xã hội thích ứng (ASP) (DRFI – ASP) tháng 12/2023 tại Hạ Long”.

Nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th

Các đại biểu chụp ảnh tại cuộc họp của Ủy ban Điều phối liên ngành về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ACSCC).

Trong năm 2023, hai trụ cột đánh giá rủi ro và tư vấn rủi ro, bao gồm việc hoàn thành Dữ liệu giá trị kinh tế (EED) và Cơ sở dữ liệu tổn thất kinh tế (ELD) của 6 nước thành viên ASEAN (AMS), hoàn thành 7 hồ sơ quốc gia riêng lẻ của từng AMS (trong đó có Việt Nam) cho những hiểm họa và rủi ro thiên tai bao gồm lũ lụt, động đất cũng như hoàn thành cổng ADRFI-2 cuối cùng trong năm 2023.

Cuộc họp cũng đã thảo luận về kế hoạch và những bước tiếp theo của ACSCC trong thời gian tới.

Cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng các cơ quan quốc gia về thực hiện Nghị định thư số 5 liên quan đến bảo hiểm xe cơ giới quá cảnh ASEAN (COB) cũng được diễn ra trong ngày 12/6. Đây là phiên họp thường niên của COB với nội dung trao đổi tập trung vào các vấn đề: Đánh giá, thảo luận về kết quả thực hiện, cơ chế phối hợp, hợp tác thúc đẩy việc triển khai Nghị định thư số 5 về bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới được thực hiện thông qua hệ thống Thẻ xanh (Green card); Xây dựng, thông qua báo cáo thường niên của COB tại Hội nghị AIC.

Nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng các cơ quan quốc gia về thực hiện Nghị định thư số 5 liên quan đến bảo hiểm xe cơ giới quá cảnh ASEAN (COB).
Ngày 15/11, Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (VINABAI) chính thức thông báo, Việt Nam đã kết nối thành công vào hệ thống ACMI (ASEAN compulsory motor insurance system).

Phiên họp đã điểm lại những kết quả chính của Hội nghị COB lần thứ 23 liên quan đến nhóm Hội nghị Nhóm công tác Tạo thuận lợi vận tải ASEAN (TFWG) lần thứ 44; tiến độ triển khai Nghị định thư AFAFGIT 5 trên ACMI liên quan đến việc triển khai ACTS; tiến độ triển khai việc mua trực tuyến Bảo hiểm trách nhiệm bên thứ 3 thông qua trang web ACMI.

Hội nghị ghi nhận các cuộc thảo luận về tiến độ triển khai Chương trình Thẻ xanh ASEAN theo Nghị định thư 5 của AFAFGIT và tham khảo ý kiến những thách thức của chương trình này với Hội nghị AIRM; những điểm chính cần báo cáo tại Hội đồng AIC và Phiên họp toàn thể chung của AIRM 26th và AIC 49th…

Cuộc họp của Ủy ban Công tác Tái bảo hiểm ASEAN (ARWC) cũng diễn ra trong ngày. Cuộc họp đã báo cáo những kết quả đã đạt được và cập nhật tiến độ về các chương trình giáo dục bảo hiểm và tái bảo hiểm ASEAN. Cuộc họp đã dành thời gian để thảo luận mở về những thách thức và cơ hội trong tái bảo hiểm khu vực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động khó lường; cũng như cập nhật thị trường bảo hiểm và các quy định mới, đặc biệt Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 17 (IFRS 17) – Hợp đồng bảo hiểm và tiềm năng hợp tác chung trong khu vực.

Tại cuộc họp, các thành viên ARWC thống nhất sẽ hợp tác để hỗ trợ nỗ lực của các nước thành viên đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực hoặc chủ đề có mối quan tâm chung sẽ được chuyển lên Cơ quan quản lý tại Phiên họp toàn thể chung của AIRM 26th và AIC 49th trong phiên họp ngày 7/12.

Ngoài ra, trong ngày 6/12, nhiều cuộc họp khác trong khuôn khổ Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th cũng đã diễn ra và đạt kết quả tích cực như: Cuộc họp lần thứ 1 của Ủy ban về bảo hiểm, tái bảo hiểm hồi giáo (ATRWC) và Cuộc họp lần thứ 16 về Chia sẻ công việc và nghiên cứu thiên tai ASEAN (ANDREWS)./.

Trước đó, ngày 5/12/2023, Hội đồng bảo hiểm ASEAN (AIC) và Trường Đại học Bảo hiểm Singapore (SCI) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Bảo hiểm ASEAN (ASEAN Insurance Summit – AIS) lần thứ 5.AIS lần này tập trung vào chủ đề Chuyển đổi và bền vững của ngành bảo hiểm ASEAN: Đẩy mạnh tham vọng thành hành động.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, chủ đề năm nay là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện ý chí và mục tiêu của thị trường ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển không ngừng của thị trường tài chính.

Nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th
Các đại biểu giới thiệu Ấn phẩm Thị trường bảo hiểm ASEAN 2023 với Chủ đề “Lạm phát và tác động của lạm phát đối với các doanh nghiệp bảo hiểm ASEAN” của Malaysia Re.
ASEAN được cho là thị trường bảo hiểm sôi động nhất trên thế giới, với chỉ số về dân số phát triển nhanh, sẵn sàng tận dụng những lợi ích từ các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm nhất là trong thời kỳ hậu Covid.

Năm nay, Hội nghị đã tập trung các nhà quản lý bảo hiểm trong khu vực để chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược và hoạch định chính sách trong lĩnh vực quản lý bảo hiểm. Đồng thời, cung cấp nền tảng giúp các nhà quản lý nhà nước theo dõi tiến độ của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm, cùng nhau hướng tới đạt được các mục tiêu của Kế hoạch chi tiết AEC 2025.

Hội nghị đã dành thời gian để tổ chức các phiên thảo luận về tương lai của bảo hiểm, tăng cường khả năng phục hồi của ngành, đổi mới và duy trì phát triển bền vững trong bảo hiểm, cũng như vai trò của các công ty bảo hiểm, khoảng cách bảo vệ cũng như các cách thức và phương tiện để phát triển lực lượng lao động trong ngành./.