52 vụ khách hàng kiện 17 công ty bảo hiểm
Chưa có con số thống kê cụ thể về các vụ khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực bảo hiểm, nhưng số vụ tranh chấp có dấu hiệu ngày càng tăng.
Chỉ tính riêng các vụ tranh chấp bảo hiểm đã có bản án trong năm 2023 (tính đến ngày 10/12) trên website: https://congbobanan.toaan.gov.vn của Toà án nhân dân Tối cao, có 52 vụ kiện đã có bản án, gấp hơn 3 lần so với năm 2022 (xem đồ thị 1).
Cụ thể, có 17 công ty bảo hiểm bị khách hàng khởi kiện trong 52 vụ, bao gồm: ABIC, VNI, Bảo Minh, Liberty, Prudential, AAA, Daiichi, Aviva, MB Ageas Life, Hanwha Life, Bảo hiểm Bảo Việt, PTI, Manulife, PVI, PJICO, VBI, BSH. Tổng số tiền chi trả bảo hiểm được yêu cầu là gần 46,4 tỷ đồng; tổng số tiền doanh nghiệp bảo hiểm thua kiện, phải bồi thường là gần 39 tỷ đồng (xem đồ thị 2).
Theo các bản án, tranh chấp bảo hiểm chủ yếu liên quan đến việc công ty bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm ô tô, sức khỏe, con người, tàu cá, tài sản…, dẫn đến khách hàng khiếu kiện. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tranh chấp có thể xuất phát từ các bên: doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm chưa nhận thức đầy đủ về bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm; một số văn bản pháp quy về bảo hiểm và các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm còn thiếu chặt chẽ, tạo ra kẽ hở…
Số vụ tranh chấp về bảo hiểm trên thực tế lớn hơn nhiều so với số vụ tranh chấp được được mang ra tòa án giải quyết.
Theo các chuyên gia pháp lý, số vụ tranh chấp về bảo hiểm trên thực tế lớn hơn nhiều so với số vụ tranh chấp được được mang ra tòa án giải quyết và có bản án như trên. Bảo hiểm là một lĩnh vực chuyên ngành phức tạp, cần những người có chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Người tham gia bảo hiểm nếu không có đủ thông tin, kiến thức sẽ không biết cách đòi quyền lợi.
“Những người tham gia bảo hiểm là nông dân, ngư dân, trình độ học vấn không cao, thiếu kỹ năng về tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật liên quan, không quan tâm nhiều đến các giấy tờ, câu chữ trong hợp đồng nên khi bị từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm thường không đi kiện. Đó là chưa kể, với những hợp đồng bảo hiểm từ khi ký giữa khách hàng và công ty bảo hiểm đã ràng buộc nơi giải quyết tranh chấp là nơi công ty bảo hiểm đặt trụ sở chính”, ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt nói.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho rằng, ràng buộc nơi giải quyết tranh chấp là tòa án nơi công ty bảo hiểm đặt trụ sở chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia bảo hiểm, nhất là với những vụ tranh chấp có giá trị nhỏ, chỉ vài chục triệu đồng. Nếu nơi giải quyết tranh chấp là nơi mà người được bảo hiểm có hộ khẩu thường trú, nơi cư trú sẽ thuận tiện hơn cho họ.
Hiện tại, có những công ty bảo hiểm chấp nhận giải quyết tranh chấp là nơi mà người được bảo hiểm có hộ khẩu thường trú như Prudential, Bảo Minh, Manulife… Tuy nhiên, số lượng công ty bảo hiểm ràng buộc nơi giải quyết tranh chấp là tòa án nơi công ty đặt trụ sở chính vẫn chiếm đa số, trong đó có Aviva, Liberty, Sun Life, Bảo Việt Nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt, BSH…
Các vụ tranh chấp bảo hiểm ngày càng nhiều, phức tạp và kéo dài, đòi hỏi ngành bảo hiểm phải có những điều chỉnh phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên khi tham gia quan hệ hợp đồng bảo hiểm.
Trong các vụ tranh chấp bảo hiểm đã có bản án trong năm 2023 nêu trên, vụ kéo dài lâu nhất là vụ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tuyên Quang kiện PJICO, xảy ra từ năm 2015 nhưng đến ngày 16/9/2022 mới kết thúc, với phán quyết của tòa án buộc PJICO phải bồi thường gần 700 triệu đồng.