Luật qui định về Trách nhiệm sản phẩm là gì?

1. Trách nhiệm sản phẩm là gì?

Bảo hiểm khổng lồ - HSIEHS BIOTECH

Trách nhiệm sản phẩm (product liability) là trách nhiệm của người sản xuất hoặc người bán hàng trong việc bồi thường các thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của hàng hóa mà họ đã cung cấp cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh.

2. Đặc điểm trách nhiệm sản phẩm là gì?

Thứ nhất, trách nhiệm sản phẩm là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đó là là trách nhiệm pháp lý của người sản xuất, người cung ứng sản phẩm hàng hoá đối với an toàn về sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng.

Về bản chất, trách nhiệm sản phẩm là một dạng trách nhiệm dân sự, theo đó khi có thiệt hại xảy ra, pháp luật quy định buộc các chủ thể nhất định (chủ thể trực tiếp gây thiệt hại hoặc có liên quan đến việc gây ra thiệt hại) phải bù đắp những thiệt hại đã gây ra cho người khác dựa trên căn cứ pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Như đã phân tích ở trên, theo pháp luật trách nhiệm sản phẩm hiện đại, việc xác định trách nhiệm sản phẩm không nhất thiết chỉ dựa vào quan hệ hợp đồng giữa người bị thiệt hại và nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm. Mối liên hệ giữa người phải chịu trách nhiệm và người bị thiệt hại được xác định thông qua một sản phẩm, theo đó, người phải chịu trách nhiệm là người sản xuất hoặc cung ứng sản phẩm và người được bồi thường thiệt hại là người tiêu dùng sản phẩm đó, giữa họ có thể có quan hệ hợp đồng trực tiếp hoặc không có quan hệ hợp đồng.

Thứ hai, chủ thể gánh chịu trách nhiệm sản phẩm là người sản xuất hoặc người bán hàng, tức là một chủ thể tham gia vào quy trình đưa một sản phẩm đến người tiêu dùng, có mối liên hệ trực tiếp đối với sản phẩm [4]. Chủ thể đó có thể là: (i) người sản xuất ra sản phẩm (bao gồm cả người sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc là người sản xuất ra một phần, một bộ phận trong sản phẩm hoàn chỉnh đó); (ii) người thực hiện vai trò phân phối trung gian đối với sản phẩm (các nhà bán buôn, nhà phân phối) hoặc (iii) người cung cấp sản phẩm đến tận tay của người tiêu dùng (ví dụ: các cửa hàng bán lẻ).

Thứ ba, cơ sở để xác định trách nhiệm sản phẩm là việc sản phẩm có khuyết tật và khuyết tật đó gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Khuyết tật của sản phẩm tồn tại dưới ba dạng: khuyết tật trong quá trình sản xuất, khuyết tật trong thiết kế sản phẩm, khuyết tật trong việc tiếp thị, quảng cáo sản phẩm (không cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng).

3. Các quy định pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm

3.1. Giai đoạn trước năm 2010

Trước năm 2010, chế định trách nhiệm sản phẩm chưa hình thành chính thức ở Việt Nam. Văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất ở Việt Nam về bảo vệ người tiêu dùng là Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999, bên dưới là các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này, tuy nhiên Pháp lệnh chưa quy định khái niệm trách nhiệm sản phẩm, khái niệm sản phẩm khuyết tật, nguyên tắc áp dụng trách nhiệm sản phẩm, vấn đề thu hồi sản phẩm có khuyết tật… Do đó, trên thực tế, tình trạng sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng xảy ra phổ biến nhưng không có đủ cơ sở pháp lý để xử lý, buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong khi đó, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng bị xâm phạm tràn lan ở mọi lĩnh vực, mọi phương diện của nền kinh tế và đời sống xã hội, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm,…

Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2005 (Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng) quy định: Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Năm 2007, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành, trong đó quy định các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh như tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng; sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người bán hàng, người tiêu dùng trả lại; thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; bồi thường thiệt hại (Điều 10, Điều 12, Điều 16).

Đáng chú ý là Luật này dành riêng Mục 2, Chương V quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, nguyên tắc chung là thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời (Điều 59).

Các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng bao gồm: thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại; thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại (Điều 60).

Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa; người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa. (Điều 61).

Điều 62 của Luật quy định các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng như sau: người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng; đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện; đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người tiêu dùng nhưng người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng hóa đó; sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại; thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.

Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 đã bước đầu quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất, người bán hàng đối với hàng hóa không bảo đảm chất lượng, tuy nhiên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sử dụng không thống nhất các thuật ngữ, có lúc sử dụng thuật ngữ “hàng hóa không bảo đảm chất lượng”, có lúc sử dụng thuật ngữ “hàng hóa có khuyết tật”, có lúc lại sử dụng thuật ngữ “sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” (Điều 3 khoản 4) và không có định nghĩa về hàng hóa có khuyết tật hay hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh phải dựa trên cơ sở lỗi của người sản xuất, người bán hàng, nhưng quy định nhiều trường hợp loại trừ trách nhiệm này. Trong giai đoạn trước năm 2010 cũng không ghi nhận được trường hợp nào tòa án xét xử tranh chấp về bồi thường thiệt hại do nhà sản xuất, người bán hàng cung cấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

3.2. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay

Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành đã có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm sản phẩm. Luật đã đưa ra khái niệm hàng hóa có khuyết tật, đó là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm:

  • (i) Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;
  • (ii) Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ;
  • (iii) Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.

Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ quy định trách nhiệm sản phẩm đối với hàng hóa, không áp dụng đối với dịch vụ.

Về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông (với các nội dung: mô tả hàng hóa phải thu hồi; lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa); thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi; báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi và nếu trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra, Điều 23 của Luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp miễn trách nhiệm được quy định tại Điều 24 của Luật.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa được hiểu bao gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nói trên được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường liên quan đến hàng hóa có khuyết tật và trách nhiệm chứng minh này do tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện.

Có thể thấy, các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có một số điểm tiến bộ, trong chừng mực nhất định có sự phù hợp với pháp luật trách nhiệm sản phẩm của các nước phát triển. Ví dụ, Luật đã ghi nhận đầy đủ ba dạng hàng hóa khuyết tật gồm khuyết tật trong thiết kế, khuyết tật trong sản xuất, khuyết tật trong cảnh báo và cụ thể hóa phạm vi các chủ thể có trách nhiệm bồi thường. Đặc biệt, Luật thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt (buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại kể cả khi họ không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật). So với nhiều nước trong khu vực và thế giới, việc thừa nhận nguyên tắc này được xem là một bước tiến tích cực trong nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam thời gian qua.

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành, nhưng các quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vẫn được giữ nguyên và còn hiệu lực, tạo nên sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh đối với hàng hóa có khuyết tật. Mâu thuẫn được thể hiện rõ qua các quy định về lỗi, về chủ thể chịu trách nhiệm, về thiệt hại được bồi thường, và các trường hợp miễn trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2015 (Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng), trên cơ sở kế thừa Điều 630 Bộ luật dân sự cũ năm 2005 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2015 lại tạo nên sự không thống nhất với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mở rộng trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với cả “dịch vụ” và sử dụng thuật ngữ “hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng” thay vì thuật ngữ “hàng hóa có khuyết tật”.

Nguồn: internet

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *