Doanh nghiệp phi nhân thọ vẫn “mơ lớn”
Trong năm 2023, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức: Tỷ lệ bồi thường một số nghiệp vụ bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới và con người dự kiến tiếp tục gia tăng, doanh thu bảo hiểm chịu tác động từ những biến động kinh tế vĩ mô…
Chẳng hạn, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do nhu cầu thế giới giảm tác động tới nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa tại Việt Nam; tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng và sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong nước đối mặt với nhiều thách thức, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động bảo hiểm nói chung và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng…
Dẫu vậy, trong báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam”, tổ chức định hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới A.M. Best vẫn đánh giá khá tích cực về triển vọng thị trường trong năm nay. Tổ chức này cũng cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực từ đầu năm 2023 có thể làm tăng sự hiện diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, tạo thêm sức cạnh tranh cho thị trường.
Còn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý I/2023 ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.870 tỷ đồng, tăng 15,2% (cùng kỳ năm trước tăng 9%). Đây là một trong những cơ sở để doanh nghiệp khối này đặt mục tiêu kinh doanh cao trong năm 2023.
Đơn cử, tại Đại hội cổ đông năm 2023, Bảo hiểm BIDV (BIC) lên kế hoạch đạt doanh thu phí bảo hiểm 4.585 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm 2022, hướng tới mục tiêu Top 6 thị phần doanh thu phí trong năm nay. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2023 phấn đấu đạt 480 tỷ đồng, tăng 21,9%.
Đại hội cổ đông của Bảo hiểm Hùng Vương (BHV) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu tăng trưởng 89% – tương đương 400 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần 10% – tương đương hơn 14 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Bảo hiểm Quân đội (MIC) đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm tăng trưởng tối thiểu 17%, lợi nhuận tăng trưởng 75% để từng bước hướng tới mục tiêu Top 4 về thị phần.
Trong khi đa phần doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của thị trường, thì những doanh nghiệp lớn lại khá cẩn trọng trong việc lên kế hoạch kinh doanh.
Đơn cử, tại Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2023, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đưa ra mục tiêu: Tổng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 4.150,7 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 255,6 tỷ đồng; chia cổ tức 12%.
Tương tự, Bảo hiểm Bảo Minh cũng đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 6.750 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2022, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc là 5.768 tỷ đồng, nhận tái bảo hiểm 670 tỷ đồng; lợi nhuận tối thiểu đạt 347 tỷ đồng, tăng 9%.
Một số doanh nghiệp thuộc Top 5 thị doanh thu khác như PTI, Bảo Việt, PVI dù chưa công bố kế hoạch kinh doanh cụ thể trong năm nay, nhưng khả năng đặt mục tiêu tăng trưởng cao là không lớn.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp phi nhân thọ, khi một công ty bảo hiểm đạt đến một ngưỡng doanh thu đủ lớn tại một thời điểm nhất định thì việc tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm sau đó là không dễ dàng. Hơn nữa, bảo hiểm là ngành có biên độ lợi nhuận không cao, nên sau một thời gian chấp nhận mức “lợi nhuận thấp” để đánh đổi lấy doanh thu và thị phần thì doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động để giữ chân khách hàng cũng như duy trì thị phần. Dẫu vậy, đối với các doanh nghiệp có thị phần lớn, việc đưa ra mức tăng trưởng 2 con số (từ 10% trở lên) là một nỗ lực lớn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều yếu tố khó lường như hiện nay.