Bảo hiểm “thúc” doanh thu trực tuyến
Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ tài chính) cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng, chỉ tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, tăng 2,55% và lĩnh vực nhân ước đạt 52.049 tỷ đồng, tăng 0,5%.
Không đưa ra con số cụ thể, nhưng thống kê từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng cho thấy sự ảm đạm khi lũy kế 4 tháng đầu năm nay, doanh thu khai thác mới giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kênh đại lý giảm 21%, bancassurance giảm 38% và các kênh khác giảm 16%.
Thực tế, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao, ngành bảo hiểm bắt đầu bước vào chu kỳ giảm tốc khi ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm giảm tăng trưởng trong 2 năm qua và đà suy giảm tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm 2023, mà nguyên nhân chính xuất phát từ sự suy giảm của các kênh phân phối chủ lực là đại lý và ngân hàng (bancassurance).
Báo cáo ngành của Công ty Chứng khoán VNDirect công bố mới đây cho rằng, trong năm 2023, tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người tiêu dùng. Cùng với đó, việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra kênh bancassurance sau những lùm xùm vừa qua càng khiến việc khai thác khách hàng mới qua kênh này trở nên khó khăn hơn.
Nhiều yếu tố không thuận lợi đến cùng một lúc khiến thị trường giảm tốc mạnh. Chính vì thế, bên cạnh gỡ khó cho 2 kênh đại lý và bancassurance, các doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, tặng quà, chăm sóc khách hàng hiện hữu, đặc biệt qua kênh trực tuyến.
Đơn cử, tại khối nhân thọ, MAP Life tung ra chương trình khuyến mại cho tất cả khách hàng mua bảo hiểm trực tuyến từ nay đến hết tháng 7/2023. Tương tự, các hợp đồng bảo hiểm do Dai-ichi Life phát hành và được phân phối qua kênh đại lý truyền thống cũng như kênh mở rộng từ nay đến hết tháng 6/2023 đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận quà của hãng.
Trong khi đó, để nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ khách hàng, bắt đầu từ giữa tháng 6/2023, Manulife sẽ cho ra mắt dịch vụ khám từ xa trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe ManulifeMOVE. Với dịch vụ miễn phí này, khách hàng sẽ được hỏi đáp và tư vấn chuyên sâu với bác sỹ qua nhắn tin, gọi thoại và video, từ đó nhanh chóng và linh hoạt điều chỉnh lịch khám, cũng như nhận bệnh án điện tử và kê toa trực tuyến sau khi được tư vấn.
FWD Việt Nam cũng chính thức công bố mối quan hệ hợp tác với Công ty cổ phần Be Group. Thông qua mô hình hợp tác đầu tiên trên thị trường giữa một công ty bảo hiểm nhân thọ và một nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cả FWD và Be đều muốn chung tay nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo hiểm nhân thọ, đồng thời giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tham gia các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến…
Ở khối phi nhân thọ, Bảo Minh và Bệnh viện Giao thông – Vận tải cùng hợp tác cung cấp dịch vụ thanh toán chi phí y tế. Cụ thể, Bảo Minh sẽ thay mặt cho khách hàng của mình thanh toán cho bệnh viện các khoản chi phí y tế phát sinh theo chương trình sức khỏe, bao gồm chi phí khám bệnh ngoại trú, nha khoa và chi phí điều trị nội trú.
Một sự kiện đáng chú ý khác là lần đầu tiên trên thị trường, một sản phẩm bảo hiểm vật chất ô tô là O•CAR của OPES sẽ được 3 nhà bảo hiểm gồm OPES – MIC – PJICO phân phối qua hệ thống 251 chi nhánh và phòng giao dịch của VPBank trên toàn quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự đi xuống của kênh bán tiềm năng bancassurance chỉ là tạm thời và sẽ lấy lại “phong độ” khi khó khăn qua đi. Chính vì thế, các hoạt động đẩy mạnh doanh thu sẽ là ưu tiên của các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới nhằm bù đắp lượng khách hàng đang trong xu hướng giảm.