Tập huấn các quy định mới về sản phẩm bảo hiểm vi mô
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp, những người yếu thế trong xã hội, những người khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thông thường.
Chính vì vậy, sản phẩm bảo hiểm vi mô được triển khai mạnh ở những quốc gia nghèo, những nước đang phát triển, bởi đặc điểm là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu.
Bà Phạm Thu Phương (bên phải) – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, chủ trì hội thảo và trực tiếp giải đáp các câu hỏi về chính sách bảo hiểm vi mô. Ảnh: Đức Minh |
Theo bà Phương, trước đây một số doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam như Manulife đã triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô (sản phẩm bảo hiểm cho người thu nhập thấp), một số tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã triển khai theo hình thức thí điểm. Kết quả ban đầu tương đối khả quan, tuy nhiên chưa có nền tảng cơ sở pháp lý để hoạt động.
Xuất phát từ nhu cầu tham gia bảo hiểm vi mô, đồng thời khuyến khích tổ chức cung cấp và cá nhân người dân tham gia sản phẩm bảo hiểm vi mô, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tất cả đối tượng tham gia bảo hiểm vi mô. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 đã bổ sung một số quy định về bảo hiểm vi mô, giao Chính phủ quy định chi tiết về bảo hiểm vi mô.
Theo bà Phạm Thu Phương, Nghị định số 21 được ban hành nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng với các quy định mang tính đặc thù nhằm tạo điều kiện cho bảo hiểm vi mô phát triển, phù hợp với nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đại diện 30 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nhiệp bảo hiểm phi nhân thọ tham dự hội thảo. Ảnh: Đức Minh |
Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm trình bày một số nội dung chính của Nghị định số 21/2023/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, để từ đó có cách hiểu thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 29/11, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm tổ chức hội thảo tập huấn quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm (Thông tư số 69/2022/TT-BTC).
Theo đó, Nghị định 21 gồm 4 chương, 46 điều và 11 phụ lục. Trong đó có các quy định chính về sản phẩm bảo hiểm vi mô; những quy định cụ thể về tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Nghị định số 21 cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được pháp triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô. |