Lĩnh vực bảo hiểm ASEAN sẽ đạt nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội khu vực
Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th còn có sự tham dự của ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Cùng với sự tham dự của Đoàn Việt Nam, còn có sự tham dự của đoàn các cơ quan quản lý bảo hiểm, hiệp hội bảo hiểm các nước trong khu vực và Đoàn Thư ký ASEAN và Thành viên các Hiệp hội bảo hiểm các nước khu vực.
Bảo hiểm trong ASEAN tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển năng động
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Việt Nam – di sản thiên nhiên thế giới. Thứ trưởng cũng bày tỏ vinh hạnh khi đây là lần thứ 3 Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị. |
“Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội là mục tiêu mà chúng tôi cũng như các nước trong khu vực đều hướng tới. Theo đó, nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân ngày càng cao, đây là cơ hội để thị trường bảo hiểm phát triển” – Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. |
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính ASEAN. Trong nhiều năm qua tiến trình hợp tác tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng, hướng tới một cộng đồng chung theo cam kết của ASEAN.
Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng cho biết, nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na, xung đột Trung Đông và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật tháng 7/2023 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 3%. Con số dự báo này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 3,8% giai đoạn 2000-2019. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển năm 2023 dự báo đạt 1,5%, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức tăng trưởng ổn định, đạt 4,0% năm 2023.
Khu vực ASEAN vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2023. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán rằng tăng trưởng ở mức 5,5% năm 2022.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của SwissRe, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 1,1% năm 2023 và 1,7% năm 2024. Bảo hiểm trong ASEAN tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển năng động so với thị trường quốc tế.
Phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, bảo vệ tốt nhất người tham gia
Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 10 diễn ra ở Indonesia, các Bộ trưởng đã ghi nhận sự đóng góp của Hội nghị AIRM trong việc tăng cường hợp tác bảo hiểm ASEAN bằng cách trao đổi kiến thức và cập nhật về những phát triển gần đây, đặc biệt là về bảo hiểm bền vững và nâng cao vai trò của ngành bảo hiểm trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến bộ đạt được trong Giai đoạn 2 của Chương trình Tài trợ và Bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI).
“Tôi được biết tại Hội nghị lần này, các cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thảo luận và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, vì sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm của mỗi nước và khu vực, hướng tới mục tiêu hội nhập cộng đồng chung ASEAN” – Thứ trưởng nói.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá cao đề xuất của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN về việc đưa vào Hội nghị chủ đề thảo luận chuyên sâu về “Quản lý đại lý nhằm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm” bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm bền vững đã đề cập tại các Hội nghị AIRM trước đây liên quan đến tăng cường quản lý, giám sát, phát triển bảo hiểm bền vững, bảo hiểm vi mô.
“Tôi tin rằng, chủ đề này sẽ hữu ích trong bối cảnh tài chính toàn diện, có nhiều đan xen về dịch vụ tài chính và sự phát triển của các kênh phân phối, đặc biệt là sự đa dạng của hệ thống đại lý bảo hiểm. Vì vậy, mong rằng tại Hội nghị này, các nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý đại lý vừa để phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, vừa để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm” – Thứ trưởng bày tỏ mong muốn.
Thông tin tới các đại biểu về thị trường bảo hiểm Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng, hình thành từ năm 1993 đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận: có nhiều doanh nghiệp được thành lập trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm; các sản phẩm bảo hiểm đã phong phú hơn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; doanh thu phí có sự tăng trưởng khá (có thời gian đạt mức bình quân từ 20-25% mỗi năm). Hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với kinh doanh bảo hiểm đã hoàn thiện.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực thì quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam còn hạn chế. “Với chủ trương mở cửa thị trường bảo hiểm theo các cam kết quốc tế, chúng tôi khuyến khích các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động, cả doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nới lỏng quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế; bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, chú trọng chất lượng dịch vụ và quản trị rủi ro” – Thứ trưởng cho biết thêm.
AIRM 26th, AIC 49th: “Bền vững, Toàn diện và Kết nối”
Cũng tại Hội nghị, ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chia sẻ và bày tỏ vinh dự khi Việt Nam được trao trọng trách chủ nhà của các Hội nghị AIRM và AIC năm nay sau hơn 10 năm. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã rất tích cực phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các cơ quan hữu quan, các tổ chức có liên quan để chuẩn bị cho các sự kiện.
Qua nhiều vòng tham vấn tích cực với các nước thành viên và Ban thư ký ASEAN đã thống nhất chủ đề của Hội nghị lần này là “Bền vững, Toàn diện và Kết nối”. Đây là chủ đề được xây dựng trên cơ sở bám sát các mục tiêu, định hướng hợp tác chung và hợp tác đặc thù trong tiến trình hợp tác ASEAN, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy, tăng cường tính bền vững, toàn diện và khả năng chống chịu của thị trường bảo hiểm ASEAN nói chung và thị trường bảo hiểm của từng nước thành viên nói riêng. |