Bảo hiểm hướng đến chu kỳ mới
Nhân thọ: Nỗ lực minh bạch và nâng cao nhận thức
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 211.187 tỷ đồng, giảm 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 71.149 tỷ đồng, tăng khoảng 2%; doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt 140.038 tỷ đồng, giảm hơn 10%. Với ngành nhân thọ, lần đầu tiên trong 20 năm qua ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm.
Dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng niềm tin vào sự hồi phục vẫn còn đó bởi hiện tại mới có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, nên đây vẫn là một thị trường nhiều tiềm năng. Đứng trước giai đoạn thử thách về niềm tin của khách hàng đối với ngành, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang từng bước chuẩn bị cho năm 2024.
Tại Generali Việt Nam, chiến lược “Bảo hiểm minh bạch” tiếp tục được đẩy mạnh với những định hướng cụ thể là minh bạch về thông tin, sản phẩm và minh bạch trong quá trình tư vấn. Generali cũng xây dựng bộ phận riêng để giải quyết quyền lợi bảo hiểm, không qua bên thứ ba, đồng thời đảm bảo mỗi khách hàng đều có một chuyên viên đồng hành xuyên suốt. Ngoài ra, Generali Việt Nam cũng là một trong những công ty bảo hiểm đầu tiên thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng mua bảo hiểm qua đối tác ngân hàng.
“Mỗi khách hàng đều có nhân viên chăm sóc riêng nhằm gia tăng tương tác và duy trì liên lạc thường xuyên để hỗ trợ khách hàng ngay khi cần”, đại diện công ty bảo hiểm đến từ Ý cho biết.
Ông Bae Seung Jun – Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam nhìn nhận, thị trường bảo hiểm đang có sự dịch chuyển theo hướng tập trung vào quyền lợi khách hàng, nên trong tương lai các doanh nghiệp cần phát triển danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thực của khách hàng. Cùng với đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã được ban hành với nhiều quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Đây là những thay đổi mang tính tích cực, không chỉ tập trung vào cải thiện chất lượng hoạt động, mà còn yêu cầu các doanh nghiệp tập trung hơn vào bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ cần có sự sắp xếp lại để có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại trong năm 2024, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững những năm sau đó. Các doanh nghiệp cần rà soát, chấn chỉnh lại để nâng tầm chất lượng, từ sản phẩm đến đội ngũ kinh doanh, kênh phân phối… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là minh bạch thông tin, minh bạch trong sản phẩm, hoạt động tư vấn, giải quyết quyền lợi bảo hiểm… Đây là việc không thể hoàn thành trong “một sớm một chiều” và ai cũng nhận ra điều đó, vấn đề là doanh nghiệp nào làm nhanh hơn, chuẩn chỉnh hơn thì sẽ đi xa hơn.
“Cốt lõi của bảo hiểm nhân thọ là giá trị con người. Tôn trọng giá trị đó, ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ sớm phục hồi và gặt hái thành công”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đức Thắng – Chủ tịch GAMA Việt Nam cho rằng, khi có sự hiểu biết cơ bản về tài chính thì sẽ thấy được tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro tài chính cho gia đình, tức là sẽ có những hiểu biết cơ bản và đúng đắn về bảo hiểm nói chung, vai trò của bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Như vậy, khi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng với mục đích đúng đắn và biết cách tìm hiểu rõ ràng về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để có lựa chọn phù hợp.
Ông Thắng cũng cho biết, ở các nước phát triển, dù ngành bảo hiểm nhân thọ đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm thì đến nay họ vẫn thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro tài chính cá nhân và gia đình thông qua bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, tại Việt Nam, các hoạt động tư vấn của đội ngũ quản lý và đại lý bảo hiểm hiện chủ yếu tập trung vào giới thiệu, tuyên truyền về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, mà bỏ qua phần quan trọng là giúp người dân hiểu đúng, đủ về các giá trị và sự cần thiết của loại hình bảo hiểm này.
“Tôi mong Việt Nam sớm cân nhắc việc đưa những kiến thức này vào trong các cấp bậc giáo dục phổ thông như các nước. Khi đó, các thế hệ tương lai cũng chính là khách hàng tương lai của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam mới được trang bị đầy đủ kiến thức, năng lực để nhận thức và chọn lựa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho bản thân và gia đình”, ông Thắng nói.
Phi nhân thọ: Cơ hội rộng mở
Theo AM Best, động thái nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào ngành bảo hiểm Việt Nam của Chính phủ là yếu tố rất tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển trong dài hạn của thị trường.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng như khó khăn chung của thị trường bảo hiểm, các doanh nghiệp khối phi nhân thọ cho thấy sự nỗ lực rất lớn khi vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương, dù chỉ ở mức thấp. So với khối nhân thọ, khả năng phục hồi của khối phi nhân thọ được đánh giá cao hơn trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới đây, cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu AM Best đánh giá triển vọng ổn định đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam. Tăng trưởng phí, cải thiện hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp là những yếu tố chính góp phần hướng tới triển vọng này. Đặc biệt, động thái nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào ngành bảo hiểm Việt Nam của Chính phủ rất được đề cao.
Theo AM Best, đây là yếu tố rất tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển trong dài hạn của thị trường. Đặc biệt, các công ty quy mô nhỏ trong nước có thể tận dụng kinh nghiệm, chuyên môn và thế mạnh về vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực nhận bảo hiểm và đẩy mạnh chiến lược kinh doanh của mình.
Ông Ken Lau, nhà phân tích tài chính cấp cao của AM Best nhấn mạnh, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sẽ nhanh chóng lấy lại mức tăng trưởng cao khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong nước. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, là một điểm đến ưa thích cho các nhà sản xuất quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
CEO một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong tốp 10 thị phần doanh thu phí lớn nhất thị trường nhìn nhận, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cơ hội bứt phá trong năm 2024 vẫn rộng mở đối với những doanh nghiệp bảo hiểm biết nắm bắt và khai thác thế mạnh ở các sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hay bảo hiểm công trình nhờ hoạt động đầu tư công được thúc đẩy.
Bên cạnh đó, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe ngày càng được nhiều người quan tâm vì lợi ích thiết thực mang lại như sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm thiểu gánh nặng tài chính, quyền lợi bảo hiểm hấp dẫn…, cũng là sản phẩm mũi nhọn giúp doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng doanh thu thời gian tới
Theo tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re, dù khả năng phục hồi rộng mở, song các doanh nghiệp phi nhân thọ cần lưu ý áp lực lạm phát đang hiện hữu, bởi đây là một trong những yếu tố khiến chi phí yêu cầu bồi thường cao hơn cho các công ty bảo hiểm tài sản, bảo hiểm sức khỏe cũng như bảo hiểm cơ giới.